Enter your keyword

Events

  • Sự kiện này đã diễn ra.

Hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả của chính sách hoàn thuế cho du khách, kích cầu du lịch Việt Nam”

  • Trần Viết Quân
  • 0
  • 566

TS. LS Bùi Quang Tín

Chuyên gia kinh tế và pháp lý

CEO Trường Doanh nhân BizLight

Thành viên Đoàn luật sư TP.HCM

 

Đặt vấn đề

Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hoá của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh là phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; thúc đẩy các đối tượng đó tăng chi tiêu mua hàng hóa của Việt Nam qua đó phát triển du lịch, xuất khẩu hàng hóa, các ngành sản xuất, kinh doanh trong nước, quảng bá văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần hoàn thiện chính sách thuế GTGT.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này chưa thu hút các DN tham gia do nó chưa mang lại lợi ích cho DN kể từ khi thí điểm hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất theo Thông tư số 58/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 1/07/2014 (thay thế thông tư 58)

Mặt khác, hiện có không nhiều DN đăng ký tham gia chương trình hoàn thuế cho du khách, nguyên nhân là nếu đăng ký tham gia thì DN phải minh bạch về sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng như đáp ứng các quy định của TT 72/2014/TT-BTC như phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Trong thời gian vừa qua rất nhiều DN, cửa hàng đã lợi dụng thủ tục thông thoáng để trốn thuế, không minh bạch, hàng hóa nguồn gốc, chất lượng không rõ ràng…như Khải Silk dẫn đến tình trạng du khách khi mua hàng ở những nơi này và khi đem hóa đơn chứng từ ra sân bay không được giải quyết hoàn thuế hay thậm chí du khách mua nhằm hàng hóa không đúng chất lượng, nguồn gốc, và từ đó họ mất niềm tin ở hàng hóa Việt Nam cũng như gây thiệt hại cho hình ảnh Việt Nam, gây thất thu ngân sách, khiến mục tiêu quảng bá hàng VN đối với du khách quốc tế hay còn gọi là xuất khẩu tại chỗ không đạt được mục đích.

Qua hơn 3 năm triển khai hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh theo Thông tư 72/2014 của Bộ Tài chính, số lượng DN tham gia bán hàng hoàn thuế và số tiền hoàn khá ít. Điều này cho thấy chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả xuất phát một phần từ việc hoạt động kinh doanh của các DN và cửa hàng tại VN còn thiếu tính minh bạch và chất lượng hàng hoá, dịch vụ còn kém.

Thực trạng về tình hình minh bạch hoá kinh doanh hàng Việt

Một thực tế hiện nay là DN tham gia bán hàng hoàn thuế thì không bán được hàng, còn ngược lại DN bán được nhiều hàng lại không tham gia. Hay như hiện có nhiều điểm bán hàng nổi tiếng tại TPHCM, được du khách quốc tế ưa chuộng mua khá nhiều các mặt hàng như sơn mài, thủ công mỹ nghệ, áo dài… nhưng các cơ sở này phần lớn của tư nhân, hộ cá thể gia đình nên không đáp ứng điều kiện để được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế tại vì các cửa hàng này không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đúng theo theo quy định của pháp luật và kê khai, nộp thuế GTGT không theo phương pháp khấu trừ.

Cùng với đó, DN bán hàng hoàn thuế phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vẫn còn mắc một số lỗi cơ bản về thể hiện các tiêu chí trên hóa đơn (viết thiếu ngày, thiếu chữ ký, thiếu đóng dấu, tính nhầm thuế, viết sai tên khách hàng, không thể hiện hàng hóa bằng tiếng Việt…) cũng khiến cho việc hoàn thuế khó thực hiện.

Ngoài ra, một số DN lữ hành vì lợi nhuận nên chỉ tổ chức đưa du khách đến các điểm tham quan, mua sắm quen mà không thuộc địa điểm được công nhận hoàn thuế, nên du khách cũng không biết đến chương trình hoàn thuế và không được hưởng chương trình hoàn thuế khi mua hàng hóa.

Tour du lịch 0 đồng là một mô hình kinh doanh mới và khá thú vị trong thời gian gần đây nhưng khiến cho du khách quốc tế đang ngày càng tỏ ra lo sợ hơn. Xét về bản chất thì đây là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ. Mô hình này được cho là đã góp phần giúp VN thu hút thêm được khá nhiều du khách Trung Quốc. Tuy nhiên, tour du lịch 0 đồng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy cơ tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, công bằng và dễ dàng ngày càng mất nhiều du khách hơn.

Cụ thể, giá của gói dịch vụ du lịch (ăn ở, đi lại, tham quan,…) mà du khách phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch theo mô hình 0 đồng thấp hơn so với gói du lịch truyền thống. Nhưng nhờ được hưởng phần trăm với các cửa hàng, địa điểm vui chơi giải trí mà các công ty lữ hành lấy lại phần vốn và lợi nhuận của mình. Và để có lợi nhuận, các công ty lữ hành có khi “cưỡng ép” du khách phải mua sắm tại các cửa hàng bán sản phẩm, nhà hàng ăn uống hay điểm vui chơi giải trí. Điều này còn tạo điều kiện cho các cửa hàng cung cấp các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Thậm chí khách du lịch có khi phải trả cái giá cắt cổ so với giá trị thực của món hàng.

Hơn thế nữa, rất nhiều cửa hàng trong lộ trình tham quan của tour 0 đồng đều là do người TQ đứng đằng sau. Nói cách khác, mô hình này thực chất là khép kín của người TQ trên đất VN. Đáng lo ngại hơn là có khi khách TQ mua hàng được quảng cáo là hàng VN chất lượng cao hay đặc sản VN nhưng sau đó mới phát hiện đó là hàng TQ đội lốt hàng Việt. Điều này khiến hàng Việt bị mang tiếng xấu.

Ngoài ra, không khó để tìm thấy những bộ đồ “hàng hiệu” bán trong các cửa hàng lớn với giá hàng triệu đồng – trong khi chỉ mấy bước chân ra hè phố, chợ, ngách nhỏ, bạn đã có thể tìm thấy những bộ đồ giống hệt với cùng chất liệu, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều.

Việc làm giả, hay bán hàng giả, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt bán trôi nổi trên thị trường là rất nhiều, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt cũng khó để truy quét hết được. Tuy nhiên, trường hợp Khaisilk lại đặc biệt hơn nhiều. Đó là, một thương hiệu lớn đi nhập hàng Trung Quốc về gắn mác của chính mình lên để bán và thời gian vừa qua đã làm mất uy tín cho thương hiệu hàng VN rất nhiều.

Với việc làm này, du khách quốc tế sẽ gặp vô vàn những khó khăn khi hoàn thuế GTGT tại 9 cửa khẩu quốc tế hiện nay (5 sân bay quốc tế và 4 cảng biển quốc tế) vì chất lượng hàng mua không đúng với nội dung kê khai trên hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hoá đơn giả mạo hoặc không đúng hoá đơn khấu trừ từ các cửa hàng bán hàng không được hoàn thuế GTGT, hoặc hoá đơn GTGT ghi sai thông tin hàng hoá, …

Giải pháp nâng cao tính minh bạch hoạt động kinh doanh hàng Việt để tăng cường hoàn thuế GTGT cho du khách khi xuất cảnh và từ đó tăng sức hấp dẫn cho du khách quốc tế

  • Tăng cường quảng bá du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông và mở rộng cửa hàng bán hàng được hoàn thuế GTGT

Hiện nay, khách du lịch quốc tế biết đến chương trình này chưa nhiều, chủ yếu chỉ biết một phần sau khi đã đến Việt Nam. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền chương trình hoàn thuế GTGT trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết, đặc biệt là các du khách nước ngoài. Bộ Tài chính kết hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn, quảng bá nội dung này trong các sự kiện được tổ chức ở nước ngoài, phổ biến hướng dẫn chi tiết các quy định, cách thức thực hiện các thủ tục liên quan đến hoàn thuế.

Bên cạnh đó, với vai trò chức năng của mình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh phổ biến thông tin đến các DN lữ hành, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương hoàn thuế GTGT tại các triển lãm, hội chợ giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam được tổ chức trong và ngoài nước. Cần tăng cường việc phát tờ rơi tuyên truyền về chương trình hoàn thuế GTGT và thông tin về các điểm bán hàng cho khách du lịch, Việt kiều trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.

            Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần tiến hành tuyên truyền thông tin hoàn thuế tại các Đại sứ quán, các ngày hội văn hóa Việt Nam tổ chức tại nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tại các khu vực sân bay và khu vực hoàn thuế trong, ngoài khu cách ly, lắp đặt thêm bảng hiệu và bảng hướng dẫn nổi bật, dễ nhận biết để du khách có thể tiếp cận dịch vụ nhanh chóng. Chuẩn hóa các bảng chỉ dẫn, logo nhận biết tại các cửa hàng chấp nhận hoàn thuế, nhằm tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp về chương trình hoàn thuế.

Về lâu dài, Nhà nước cần mở rộng thêm đối tượng bán hàng hoàn thuế GTGT cho cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Ngành Thuế cần tiếp tục rà soát các DN có tiềm năng, bán hàng hoàn thuế GTGT để tổ chức phổ biến, tuyên truyền khuyến khích DN tham gia bán hàng hoàn thuế GTGT. Cơ quan Thuế cũng nên cập nhật kịp thời danh sách DN, cửa hàng đăng ký bán hàng hoàn thuế GTGT đã được xét đủ điều kiện lên website của Tổng cục Thuế và Cục thuế địa phương.

Bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn các biện pháp tuyên truyền để DN hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc tham gia bán hàng hoàn thuế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý (Bộ  Tài chính, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương), các NHTM, DN và đơn vị tổ chức các tour du lịch, các DN bán hàng hoàn thuế, hạn chế các trường hợp người nước ngoài không được hoàn thuế do các nguyên nhân phát sinh từ phía DN bán hàng.

  • Nâng cao vai trò của các doanh nghiệp

Hiện nay, một số cửa hàng xuất phát từ lợi nhuận, chỉ cần bán được hàng và thậm chí bán hàng gian, hàng giả hoặc hàng kém chất lượng nên mặc dù không nằm trong danh sách cửa hàng bán hàng hoá được hoàn thuế GTGT vẫn hướng dẫn khách đem hóa đơn (thậm chí là hoá đơn giả hoặc không phải hoá đơn khấu trừ) ra sân bay để hoàn thuế. Chính vì thế, khi không được hoàn thuế, không ít khách quốc tế có phản ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến mục đích của chương trình hoàn thuế GTGT, đến uy tín của DN trong nước cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, cơ quan nhà nước cần hướng dẫn DN đăng ký, thực hiện thủ tục in, phát hành, sử dụng hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế hoàn thuế để họ có và phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đúng theo quy định của pháp luật nhằm giúp cho du khách hoàn thuế nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhà nước cũng cần khuyến khích các DN lữ hành hướng dẫn du khách đến mua hàng hoá tại các cửa hàng bán hàng được hoàn thuế GTGT.

Kết luận

Để minh bạch hoá hoạt động kinh doanh của hàng Việt nhằm giúp chính sách hoàn thuế GTGT cho khách quốc tế đạt hiệu quả cao và từ đó thu hút nhiều hơn nữa du khách quốc tế vào VN trong thời gian tới thì không phải là nhiệm vụ riêng của bất kỳ một cơ quan hay một DN hay một cá nhân nào, mà đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Việc tăng cường quảng bá du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông và mở rộng cửa hàng bán hàng được hoàn thuế GTGT cũng như nâng cao vai trò của các doanh nghiệp là hai công việc quan trọng hàng đầu mà các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần thường xuyên thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời

Your email address will not be published.